Bạo lực, xâm hại trẻ em là một vấn nạn trên toàn cầu.Trong thời gian gần đây, trên cả nước xảy ra hàng loạt vụ việc bạo lực, xâm hại trẻ em gây bức xúc dư luận và gây hoang mang cho nhiều bậc phụ huynh. Trẻ em bị xâm hại gặp phải nhiều vấn đề gây ảnh hưởng tới sự phát triển, thậm chí hủy hoại cuộc sống của các em trong tương lai. Các em có nguy cơ cao bị trầm cảm, mắc phải các vấn đề về sức khỏe tâm thần, có thể dẫn đến tự tử. Bên cạnh đó, gia đình và xã hội cũng bị ảnh hưởng. Đáng lo ngại là tình trạng ngược đãi, xâm hại, bạo lực, bóc lột trẻ em ít được cộng đồng chủ động tố giác, trình báo với các cơ quan chức năng, một số vụ việc đã kéo dài nhiều năm, khi tình trạng bạo lực, xâm hại trẻ em ở mức báo động nghiêm trọng mới được các phương tiện thông tin đại chúng phát giác trước công luận. Mặt khác, đa số các hành vi bạo lực, xâm hại trẻ em được thống kê chủ yếu dựa trên các tiêu chí về thể chất, chưa tính đến bạo lực, xâm hại về tinh thần. Do đó, số vụ bạo lực, xâm hại trẻ em bị phát hiện chỉ là một phần so với thực tế.
Chính vì vậy, để giúp các em học sinh nâng cao hiểu biết và trang bị các kiến thức, kỹ năng; hướng dẫn các em chủ động phòng chống nạn xâm hại, bạo lực, cô giáo chủ nhiệm lớp 5A2 , trường Tiểu học Thanh Xuân Trung đã tổ chức buổi tuyên truyền trực tuyến về phòng chống bạo lực và xâm hại trẻ em. Qua buổi tuyên truyền, nhà trường muốn nâng cao hiểu biết và trang bị các kiến thức, kỹ năng để hướng dẫn các em học sinh chủ động phòng chống nạn xâm hại, bạo lực. Việc trang bị kỹ năng sống, kỹ năng phòng vệ cá nhân là rất cần thiết cho các em, nhất là lứa tuổi học sinh.
Một số hình ảnh của buổi tuyên truyền:
Buổi tuyên truyền thật có ích vì các em học sinh được cung cấp thật nhiều thông tin thiết thực. Các em hiểu rõ hơn thế nào là hành vi xâm hại, bạo hành từ đó biết cần làm gì để phòng chống xâm hại, bạo hành trẻ em. Cũng qua đó, các em biết cách xử lí khi bị xâm hại, bạo hành. Pháp luật sẽ nghiêm trị mọi hành xâm hại trẻ em. Hãy đừng ngại ngần mà thẳng thắn chia sẻ với gia đình và người thân khi mình có nguy cơ và bị xâm hại các em nhé! Các em hãy ghi nhớ số điện thoại của tổng đài quốc gia bảo vệ trẻ em: 111 nhé!