Trong dịp tết cổ truyền Việt Nam, trên mâm cúng gia tiên của bất kỳ gia đình nào cũng không thể thiếu một thứ bánh đậm đà của dân tộc Việt Nam đó là món bánh chưng xanh. Vì sao có bánh chưng xanh? Vì sao bánh chưng lại được đặt trân trọng trên bàn thờ trong ngày tết như vậy? Chuyên mục “Mỗi tuần một câu chuyện đẹp, một cuốn sách hay, một tấm gương sáng” của Liên đội Tiểu học Thanh Xuân Trung tuần này xin trân trọng giới thiệu tới quý thầy cô cùng các em cuốn sách “Sự tích bánh chưng, bánh giầy” do NXB Kim Đồng ấn hành năm 2019, khổ 17 x 24 cm được in trên bìa cứng dày, với những hình ảnh ngộ nghĩnh, màu sắc bắt mắt sẽ thu hút các em đến với nội dung của cuốn sách.
Các em ạ! Không biết từ bao giờ, bánh chưng, bánh giầy đã trở thành thứ không thể thiếu trên bàn thờ tổ tiên mỗi khi Tết đến, xuân về, thể hiện quan niệm về vũ trụ, nhân sinh của người xưa.
Bánh chưng, bánh giầy là hình ảnh của quê hương với màu xanh ruộng đồng, sông núi, được làm ra từ những hạt "ngọc thực" quý nhất của thiên nhiên, sinh sôi nảy nở trên những triền đất phù sa đồng bằng, dưới sức lao động của con người. Những sản vật giản dị, đậm đà hương vị không những ẩn chứa các giá trị văn hóa và tâm linh mà còn mang ý nghĩa triết lý nhân sinh sâu sắc.
Bánh chưng, bánh giầy được chế biến từ lúa nếp thơm, một sản phẩm tiêu biểu của nghề trồng lúa nước có từ thời Vua Hùng. Trải qua hàng nghìn năm lịch sử, hai sản vật này gắn với câu chuyện huyền sử về lòng hiếu thảo của chàng hoàng tử Lang Liêu thời Hùng Vương dựng nước.
Các em biết không? Vua Hùng Vương thứ 6 có 22 người con trai. Tất cả đều thông minh, văn hay võ giỏi. Trong đó chỉ có hoàng tử thứ 18 là Lang Liêu chỉ thích trồng trọt. Khi Vua Hùng đã già yếu, muốn kén chọn người kế vị, Vua gọi các hoàng tử tới và bảo rằng: “ Vào dịp lễ đầu năm mới, con nào tìm được của ngon vật lạ, có ý nghĩa nhất để tế Trời Đất thì ta sẽ truyền ngôi báu cho”.
Các hoàng tử đua nhau lên rừng xuống biển tìm của ngon vật lạ. Riêng hoàng tử Lang Liêu nghĩ mình sẽ dâng vua cha sản vật từ chính đồng quê của mình. Chàng cùng vợ con chăm sóc cho cánh đồng lúa quê hương. Lang Liêu tự nhủ: “Ta sẽ làm món quà bằng thứ gạo thơm dẻo nhất do chính tay ta tự trồng cấy để dâng vua cha”. Tối hôm ấy, dưới ánh trăng sáng vằng vặc, Lang Liêu cùng vợ con đập lúa. Chàng nhìn lên bầu trời và nghĩ về cánh đồng lúa chín vàng đã nuôi sống bao người. Chàng nói với vợ: “Ta sẽ dùng gạo nếp thơm dẻo này làm bánh dâng lên vua cha, để tế lễ tổ tiên, Trời Đất đầu năm”. Đêm ấy, chàng mơ thấy một bà tiên mách bảo rằng: “Này con, vật trong trời đất không có gì quý bằng gạo, vì gạo là thức ăn nuôi sống con người. Con lên lấy gạo nếp làm bánh hình tròn, và hình vuông để tượng trưng cho Trời và Đất. Hãy lấy lá xanh bọc ngoài, đặt nhân thịt, nhân đỗ trong ruột bánh để tượng trưng cho công lao của cha mẹ đã sinh thành ra con”. Sáng hôm sau, Lang Liêu tỉnh giấc, vô cùng mừng rỡ. Chàng kể lại giấc mơ đêm qua cho cả nhà nghe. Lang Liêu nghĩ lại: “ Đúng là công ơn của cha mẹ nuôi dưỡng con cái thật là lớn như trời như bể”. Dân làng cũng vui mừng cho Lang Liêu. Họ cùng với Lang Liêu làm theo lời bà tiên dặn, chọn gạo nếp thật ngon vo sạch, đỗ xanh đãi vỏ, lấy lá dong thật xanh đem rửa sạch, thịt lợn ướp muối tiêu và gói thành 1 thứ bánh vuông, bọc lá xanh. Cái bánh nào cũng vuông thành sắc cạnh, đều nhau như một. Mặt bánh phẳng hình vuông tượng trưng cho Đất, màu xanh tượng trưng cho cỏ cây hoa lá. Bà con xóm giềng mỗi người một tay giúp vợ chồng Lang Liêu làm bánh. Người này thì đồ xôi thật dẻo thơm, người kia thì bỏ xôi vào cối dùng chày giã mịn và làm thành một thứ bánh tròn, trắng mịn để tượng trưng cho Trời.
Ngày hội lớn đầu năm đã đến, mọi người nô nức mang sản vật mà mình đã chuẩn bị để dâng lên vua cha. Chàng Liêu cùng vợ con chọn những tấm bánh ngon nhất, đẹp nhất để đưa về kinh thành. Nhìn mâm bánh được làm từ những sản vật cảu miền quê trù phú, vợ chồng Lang Liêu lòng tràn ngập niềm vui sướng. Các hoàng tử mang của ngon vật lạ các nơi về đông đủ. Bên cạnh những thứ đó, lễ vật của Lang Liêu lại rất đơn giản. Nhưng sau khi nếm thử và nghe Lang Liêu tâu trình về cách làm và ý nghĩa của hai loại bánh. Vua bèn chọn lễ vật Lang Liêu dâng để tế trời đất và đặt tên cho bánh hình vuông là bánh chưng và bánh hình tròn là bánh giầy. Ông cũng chọn Lang Liêu là người nối ngôi báu. Từ đó nhân dân ta có tục gói bánh chưng và giã bánh giầy trong dịp tết, chọn những cái ngon nhất đẹp nhất bày lên bàn thờ cúng tổ tiên.
Bên cạnh cuốn sách “Sự tích bánh chưng, bánh giầy”, cô xin giới thiệu thêm tới các em những cuốn sách ý nghĩa nói về ngày tết cổ truyền của chúng ta như cuốn: Sự tích cây nêu ngày Tết, sự tích Táo Quân, sự tích ngày Tết…