Hiện nay đại dịch HIV/AIDS vẫn đang lan tràn mạnh mẽ ở khắp các vùng miền từ thành thị đến nông thôn, từ miền núi đến hải đảo xa xôi của đất nước cũng như ở khắp nơi trên thế giới. Đại dịch HIV/AIDS không những gây ra hậu quả to lớn về mặt kinh tế, xã hội đối với các quốc gia ở khắp các châu lục, mà còn để lại bao nỗi bất hạnh cho bản thân người nhiễm HIV/AIDS, gia đình và người thân của họ. Mỗi năm, hàng triệu sinh mạng con người đã bị cướp đi vì căn bệnh thế kỷ này.
Thời gian vừa qua, nước ta đã trải qua 4 làn sóng dịch Covid-19 và dịch Covid-19 bùng phát đã ảnh hưởng trực tiếp đến chương trình phòng, chống HIV/AIDS quốc gia, do việc hạn chế đến những nơi công cộng, những nơi tập trung đông người đã làm hạn chế người dân đến các cơ sở y tế. Việc thực hiện dãn cách xã hội cũng làm gián đoạn các hoạt động can thiệp giảm tác hại đối với người nhiễm HIV, không những khiến cho hệ thống miễn dịch của cơ thể suy yếu, dễ mắc các bệnh nhiễm trùng cơ hội mà còn làm tăng nguy cơ lây nhiễm vi rút HIV cho người khác.
Vì vậy, biết cách tự phòng cho mình và cho cộng đồng cũng như tuyên truyền cho mọi người cùng hiểu biết được coi như là một vắc xin để phòng ngừa HIV/AIDS một cách hiệu quả. Đặc biệt đối với mỗi nhà trường, nơi có một lực lượng rất đông, các em đều đang ở lứa tuổi nhỏ, đang trong quá trình hình thành nhân cách và hoàn thiện thể lực là những đối tượng rất đáng quan tâm trong chương trình phòng, chống HIV/AIDS, vì thế công tác thông tin, giáo dục, truyền thông cần được đặc biệt chú ý triển khai thường xuyên trong nhà trường. Hơn hết, chính đội ngũ giáo viên, những người làm công tác giáo dục phải trang bị cho học sinh những kiến thức về HIV/AIDS cũng như các biện pháp phòng chống lây nhiễm căn bệnh nguy hiểm này.
Hưởng ứng tháng hành động quốc gia phòng-chống HIV/AIDS năm 2021 với chủ đề “Tăng cường phòng, chống HIV/AIDS trong bối cảnh đại dịch Covid-19”, các cô giáo khối 5, trường Tiểu học Thanh Xuân Trung đã dành một phần của tiết sinh hoạt đầu tuần để tuyên truyền và gửi thông điệp tới tất cả các em học sinh các khối 5.
Trong buổi tuyên truyền, các em học sinh đã được cung cấp, củng cố một số kiến thức về căn bệnh thế kỉ: Thế nào là HIV? AIDS? Nguyên nhân gây bệnh, sự nguy hiểm của bệnh đồng thời biết cách phòng, tránh cũng như thái độ với người nhiễm bệnh.
Một số hình ảnh học sinh Khối 5 tham gia hoạt động tuyên truyền
HIV là viết tắt của loại vi-rút gây suy giảm miễn dịch ở người. AIDS là viết tắt của hội chứng suy giảm miễn dịch mắc phải ở người. AIDS là giai đoạn cuối của quá trình nhiễm HIV. Người nhiễm vi rút HIV có sức đề kháng thấp hơn so với người bình thường, chính vì vậy mà nguy cơ lây nhiễm Covid-19 cũng sẽ cao hơn so với những người khác. Đây là một thực tế rất đáng lo ngại. Chính vì vậy bản thân người nhiễm HIV cần phải cảnh giác cao hơn so với người bình thường, để chủ động đề phòng dịch bệnh Covid-19 cho bản thân mình và phòng lây nhiễm HIV cho những người xung quanh.
Năm nay, Tháng hành động quốc gia phòng, chống HIV/AIDS năm 2021, Việt Nam chọn chủ đề “Tăng cường phòng, chống HIV/AIDS trong bối cảnh đại dịch Covid-19” nhằm tích cực duy trì các hoạt động phòng chống HIV/AIDS và chủ động ngăn chặn tình trạng lây nhiễm HIV trong cộng đồng trước tình hình dịch bệnh COVID-19 tiếp tục có những diễn biến phức tạp, khó lường. Và thực hiện phòng chống HIV/AIDS là trách nhiệm của mọi người, mọi gia đình và toàn xã hội, mỗi em học sinh hãy tự bảo vệ mình trước đại dịch HIV/AIDS vì sức khỏe của bản thân và sự phát triển của đất nước.