Cô giáo Nguyễn Thị Liên Hương, đại diện cho tổ 1 đã đến với hội thảo trong bản tham luận “Đưa trò chơi dân gian vào các giờ nghỉ cho học sinh lớp 1”. Khác với lớp học truyền thống, lớp học hạnh phúc không áp đặt phát triển theo khuôn mẫu mà đóng vai trò định hướng để trẻ được làm những gì mình yêu thích và say mê. Nhìn chung, lớp học hạnh phúc là nơi giúp giáo viên và học sinh hình thành cũng như duy trì các trạng thái cảm xúc tích cực. Mỗi lớp học hạnh phúc sẽ tạo nên một môi trường học đường mà ai tham gia cũng cảm thấy hạnh phúc. Được tham gia vào các lớp học hạnh phúc sẽ giúp mỗi cá nhân thiết lập được tình cảm lành mạnh, góp phần phát triển nhân cách tốt đẹp.
Khi công nghệ thông tin bùng nổ, học sinh bị lôi cuốn với những trò chơi điện tử, trong đó có những trò chơi bạo lực gây ảnh hưởng về sức khỏe, tinh thần thì việc đưa trò chơi dân gian vào trường học có một ý nghĩa hết sức to lớn. Không những là sân chơi bổ ích, lành mạnh mà qua đó còn góp phần giúp các con thoải mái hơn, yêu trường lớp, cô giáo mình hơn.
Những gương mặt chăm chú đang lắng nghe cô giáo hướng dẫn chơi trò chơi “Nu na nu nống”
Những trò chơi dân gian dành cho các bạn học sinh lớp 1 đã được chọn lọc phù hợp với môi trường, thể chất và mang tính an toàn. Có trò chơi kết hợp với hát, diễn xướng dân gian rất vui nhộn như "Rồng rắn lên mây", "Mèo đuổi chuột"… làm cho các con thuộc nhiều bài đồng dao hơn. Mỗi bài đồng dao đề cập đến một khía cạnh nhỏ đời sống xã hội, giúp cho các con tìm tòi, nhận thức tự nhiên. Trò chơi dân gian giúp cho các em rèn luyện thể chất, sự khéo léo, trở nên nhanh nhẹn hoạt bát, tạo sự hoà đồng, thân thiện, đoàn kết... Những phút vui chơi thoải mái, lành mạnh sẽ giúp các em thêm hào hứng để học tập và sống hồn nhiên hơn. Hơn nữa, việc vui chơi lành mạnh còn tạo ra nhiều đức tính tốt đẹp, hạn chế những tật xấu, đồng thời rèn luyện thể chất và tâm hồn các em theo chiều hướng tốt hơn.
Cô và trò cùng hoà mình vào trò chơi “Rồng rắn lên mây”
Để văn hóa truyền thống thấm dần vào tâm hồn trẻ thơ, không có cách nào hay hơn là áp dụng trò chơi dân gian vào trường học. Sự kết hợp giữa các trò chơi dân gian, trò chơi có tính trí tuệ trong giải toán, trò chơi có tính ứng xử trên cơ sở xây dựng trường học thân thiện, học sinh tích cực sẽ giúp các em được ôn luyện, trau dồi thêm kiến thức về lịch sử dân tộc, văn hóa dân gian…
Việc đưa trò chơi dân gian vào trường học được xem là một trong những yếu tố làm nên lớp học hạnh phúc - trường học hạnh phúc. Vào giờ ra chơi, thay vì chạy nhảy mất an toàn, các em học sinh đã tự tìm cho mình những trò chơi dân gian phù hợp với lứa tuổi. Nét phấn khởi hiện lên trên từng khuôn mặt các em. Sân trường trở nên nhộn nhịp hơn bởi những nhóm học sinh nhảy dây, chơi ô ăn quan, bịt mắt bắt dê, nu na nu nống, chi chi chành chành…
“Mèo đuổi chuột” – Trò chơi yêu thích của các bạn nhỏ
Việc xây dựng lớp học hạnh phúc cũng có tác dụng 2 chiều. Khi trẻ đến lớp phấn khởi, vui vẻ thì các giáo viên cũng sẽ cảm thấy vui vẻ và hạnh phúc lây. Người giáo viên chúng tôi cảm thấy có động lực, hứng thú hơn với công việc hằng ngày và như được tái tạo năng lượng sáng tạo. Những tâm huyết mà mình bỏ ra thì điều trước tiên được nhất là trẻ vui và được phụ huynh ghi nhận. Đó là điều người giáo viên cảm thấy vui nhất mà cũng là đền đáp xứng đáng nhất.
Bản tham luận của tổ 1 đã đem lại nhiều ấn tượng với các thành viên tham dự.
Video tổ 1 tham dự hội thảo chuyên môn xây dựng “Trường học hạnh phúc”