“Những đêm đông
Khi cơn giông
Vừa tắt
Tôi đứng trông
Trên đường lặng ngắt
Chị lao công
Như sắt
Như đồng
Chị lao công
Đêm đông
Quét rác...”
Bài thơ trên được trích trong bài thơ Tiếng chổi tre của nhà thơ Tố Hữu trong chương trình học sinh lớp 2 tôi đã từng dạy. Trong bài thơ là sự tôn trọng, ca ngợi người lao động ngoài xã hội, dù là lao động rất đời thường. Và ngay trong chính ngôi trường mà tôi đang làm việc, tôi cũng gọi đó như một xã hội thu nhỏ, nuôi dưỡng và dạy dỗ những mầm non tương lai đất nước, thì vẫn luôn có một người lao động trong thầm lặng để giữ gìn cho nơi chúng tôi làm việc, học tập được sạch sẽ, đó chính là bác lao công của trường tôi.
Đối với học sinh và toàn thể hội đồng sư phạm trường Tiểu học Thanh Xuân Trung không ai còn xa lạ với hình ảnh cần mẫn, cặm cụi của bác lao công quét dọn – bác Trương Thị Hường. Gắn bó với công việc vệ sinh ở trường đã gần chục năm, chứng kiến bao đổi thay của trường. Tuy vậy bác vẫn là một người phụ nữ hiền lành, khỏe mạnh và chăm chỉ làm việc, lúc nào tôi cũng thấy bác lao công lúc thì dưới sân trường nhưng có khi đã thấy bác ở vườn hoa. Mùa hè cũng như mùa đông khi nhà nhà vẫn còn đang say giấc trong ngôi nhà ấm áp thì công việc của bác đã bắt đầu với chổi, rễ quét rác để sáng sớm khi giáo viên, học sinh đến trường có một không khí trong lành, không gian thoáng đãng để thực hiện nhiệm vụ giảng dạy và học tập. Đó cũng chính là lí do vì sao tôi gọi bác Hường là bác lao công thầm lặng. Bác luôn quét dọn và hoàn thành công việc của mình trong thầm lặng, không phải tự nhiên sân trường vắng bóng lá bay, không phải hành lang sạch rác gọn gàng, tất cả đều nhờ có bác Hường thì trường lớp mới sạch đẹp như vậy. Bác cứ lặng lẽ làm mọi lúc mọi nơi, trưa khi các em học sinh yên giấc ngủ thì bác cũng tranh thủ lau dọn các khu vực.
Mùa hè khi những tia nắng cuối ngày sắp tắt, bác lao công mới xong công việc của mình. Tiết trời mùa thu mát mẻ khiến lòng người thấy nhẹ nhõm, xua tan đi cảm giác nắng nóng, mệt mỏi của mùa hè nhưng với bác thì đây là thời điểm công việc vất vả hơn bởi “mùa lá rụng”. Bác từng tâm sự: “Có hôm quét sân trường sạch rồi nhưng một cơn gió mạnh lại khiến lá cây rụng ào ào, sân trường nhìn vẫn như chưa quét, tôi phải dọn lại cho sạch rồi mới làm tiếp việc khác được”.
Có những hôm trời mưa, sân trường ướt, lá cây lúc ấy như “đội quân lì lợm”, quét mãi vẫn nằm đó nhưng sao có thể làm khó bác. Đôi tay của bác vẫn thoăn thoắt cùng chiếc rễ quét sạch sân trường. Vất vả là vậy nhưng lúc nào cũng thấy bác nở nụ cười tươi trên khuôn mặt đã hằn in những nếp nhăn nhọc nhằn. Niềm vui ấy được xuất phát từ chính tấm lòng và sự chăm chỉ của bác. Nhưng tấm lòng của bác lao công không phải ai cũng thấu hiểu. Người ta thường nói “nhất quỷ, nhì ma, thứ ba học trò” và một số cô cậu học trò cứ vô tâm không để ý khiến cho công việc của bác nặng nề hơn. Ở đâu đó vẫn còn những học sinh vứt rác bừa bãi, không có ý thức giữ gìn vệ sinh chung ở nhà vệ sinh… Đã có những lần trời đã tối bác vẫn phải cặm cụi lấy đồ để thông bồn cầu, vẫn phải nhặt những tờ giấy nháp vương vãi sau mỗi buổi học…
Đã không ít người chúng ta từng bịt mũi khi đi ngang qua hố rác hay những nhà vệ sinh bẩn, chỉ một vài giây đồng hồ thôi nhưng cũng tỏ vẻ khó chịu. Còn đối với người dọn vệ sinh đó là nghề nghiệp giống như những nghề nghiệp khác, công việc của họ vẫn phải được thực hiện hàng ngày. Ai cũng muốn hít thở không khí trong lành, thư giãn tại những nơi thoáng mát sạch sẽ, con cái họ được học tập trong một ngôi trường “ Sáng – Xanh – Sạch”. Bác lao công trường tôi là một người anh hùng “ thầm lặng, âm thầm góp” phần nhỏ bé trong ngôi trường.
Là một con người sống trong môi trường giáo dục, để công việc của những người lao công bớt gian nan, vất vả hơn và để trường học của chúng ta ít bị ảnh hưởng xấu từ yếu tố môi trường thì tôi luôn giáo dục các em học sinh hãy luôn biết bảo vệ môi trường xung quanh mình dù là ở đâu. Biết trân trọng, yêu thương những người lao động như bác Hường.
Thay mặt toàn thể giáo viên Trường Tiểu học Thanh Xuân Trung và các con học sinh, tôi chúc bác Hường thật nhiều niềm vui, nhiều sức khỏe và luôn tâm huyết với công việc của mình như bây giờ.
Cảm ơn bác Hường rất nhiều!