Học cách làm bạn với con dễ hay khó và làm thực hiện như thế nào? Khi con khôn lớn, ngoài những thay đổi về thể chất thì con luôn có những thay đổi về mặt tâm sinh lý khiến con ngại chia sẻ, tâm sự. Đồng thời, sự khác biệt về tuổi tác cũng vô tình tạo ra một khoảng cách giữa bố mẹ và con cái. Thế nên, không phải dễ dàng gì khi muốn làm bạn cùng con. Xem những cách mà bố mẹ nên làm khi muốn chia sẻ cùng con:
1. Tôn trọng cảm xúc của con
Nhiều bậc cha mẹ thường mắc sai lầm khi áp đặt hành động của con bằng suy nghĩ của bản thân. Khi con khó chịu, cáu giận không lý do,... thay vì chia sẻ, lắng nghe thì nhiều bố mẹ lại bỏ qua, thậm chí là gắt gỏng với con. Những hành động tuy nhỏ đó sẽ khiến khoảng cách giữa các thành viên trong gia đình bị đẩy ra xa hơn, thậm chí con còn nảy sinh những suy nghĩ tiêu cực như cô đơn, tự ti, chống đối,...
2. Thể hiện sự tin tưởng với con
Mặc dù, chưa có nhiều kinh nghiệm và kỹ năng sống nhưng với sự phát triển của xã hội, thế hệ trẻ luôn là người cập nhật xu hướng nhanh nhạy hơn chúng ta rất nhiều. Bởi vậy, bố mẹ cũng nên chủ động học hỏi từ con như việc sử dụng các ứng dụng, thiết bị công nghệ,... để con và bố mẹ có thêm nhiều thời gian trò chuyện với nhau hơn, đồng thời cũng giúp con tăng khả năng truyền đạt.
Đơn giản hơn, bố mẹ có thể đặt niềm tin vào con bằng những việc nhỏ nhặt như động viên con sẽ đạt điểm tốt, cho con quyết định khi mua sắm,...
3. Kiểm soát cảm xúc của bạn
Điều thứ 3 rất quan trọng và cũng là điều khó khăn đối với cha mẹ trong việc học cách làm bạn với con.
Áp lực lớn trong công việc và cuộc sống luôn đè nặng lên vai của các bậc phụ huynh, nhưng đó không phải lý do mà bố mẹ có thể “trút‘ gánh nặng lên người khác, đặc biệt là con. Bởi mỗi người đều có những vấn đề riêng của mình và con cũng vậy. Những áp lực học tập, những xích mích trong quan hệ bạn bè cũng là những áp lực mà con cần bố mẹ ở bên. Vậy nên mỗi lúc căng thẳng, bạn cố gắng đừng mang sự khó chịu về nhà, thay vào đó hãy học cách lắng nghe con nhiều hơn.
4. Tạo những hoạt động cùng con
Để gia đình thêm gắn kết và thấu hiểu nhau hơn, các thành viên nên cùng nhau tham gia các hoạt động tập thể như dã ngoại, vui chơi cùng nhau. Những hoạt động tập thể ngoài trời, không chỉ tình cảm gia đình thêm gắn kết mà tinh thần của cả gia đình cũng được thoải mái hơi.
5. Luôn có những bữa cơm gia đình
Tưởng chừng như rất nhỏ nhưng bữa cơm gia đình lại là sợi dây gắn kết gia đình. Những bữa cơm là lúc mà mọi người có thể chia sẻ những câu chuyện, những vấn đề trong suốt một ngày dài. Nên dù bận thế nào đi nữa thì gia đình bạn cần có ít nhất một bữa ăn cùng nhau. Trong bữa ăn, bố mẹ cũng nên chủ động khơi gợi cho con nói nhiều hơn.
Khi tình cảm của các thành viên trong gia đình khăng khít thì con có thể dễ dàng chia sẻ những khúc mắc trong quá trình khôn lớn. Nhờ đó, cha mẹ có thể thấu hiểu và có nhiều định hướng tốt hơn cho tương lai của con sau này.