Làm sao để học trực tuyến đạt hiệu quả cao nhất là vấn đề đặt ra với ngành giáo dục hiện nay khi dịch bệnh vẫn chưa chấm dứt và xu thế học trực tuyến, học từ xa… đang ngày càng chiếm lĩnh thị trường giáo dục. Thay vì lựa chọn hình thức học trực tuyến như một giải pháp tình thế, cả thầy và trò, phụ huynh và xã hội cần từng bước chuyển từ ứng phó bị động sang chủ động theo kế hoạch, tiến tới hiệu quả và bền vững.
Hiện Bộ Giáo dục và Đào tạo và Sở Giáo dục và Đào tạo nhiều địa phương đã chủ động tổ chức các lớp bồi dưỡng, tập huấn dạy học trực tuyến cho giảng viên, giáo viên các cấp để trang bị thêm các kiến thức, kỹ năng cần thiết phải có trong quá trình dạy học trực tuyến.
Về phía học sinh và phụ huynh, ngành giáo dục nói riêng và thông qua các phương tiện thông tin đại chúng cũng đẩy mạnh tuyên truyền việc học trực tuyến trong bối cảnh hiện nay. Đồng thời, quan tâm tới các học sinh chưa có điều kiện về trang thiết bị điện tử để học tập bằng các chương trình xã hội hóa, quyên góp ủng hộ mua thiết bị cho các em…
Tổng kết lại những nguyên tắc để dạy học trực tuyến hiệu quả, ThS Thùy cho rằng có thể dễ dàng ghi nhớ với quy tắc 5T.
Trong đó, đầu tiên là phần trang thiết bị phù hợp gồm máy tính, điện thoại có kết nối internet của cả thầy và trò, lựa chọn các nền tảng học tập và các công cụ, phần mềm hỗ trợ phù hợp với mục đích sử dụng của giáo viên, phù hợp với học sinh và bối cảnh dạy học.
Thứ hai là tinh giản nội dung. Trong đó, lựa chọn yêu cầu cần đạt, nội dung cốt lõi, số hóa học liệu, video hình ảnh, âm thanh…
Thứ ba là tăng cường tự học bằng cách giao nhiệm vụ học tập phù hợp cho học sinh trước giờ lên lớp bằng cách xem video, đọc sách giáo khoa, làm phiếu bài tập… Có thể chọn hình thức làm bài tập theo nhóm hoặc tự làm bài tập ở nhà, giáo viên cần hỗ trợ và kiểm tra học sinh thực hiện nhiệm vụ.
Thứ tư là tích cực tương tác bằng cách chia nhỏ hoạt động, thông thường từ 4-5 phút/hoạt động thay vì 7-8 phút như trên lớp học trực tiếp. Thầy cô sử dụng đa dạng hình thức như giơ tay, thả tim,… để học sinh luôn vận động, không nhàm chán. Tiếp theo có thể đặt câu hỏi, gọi ngẫu nhiên học sinh trả lời hoặc lấy phản hồi của cả lớp. Cũng có thể chơi các trò chơi, làm bài tập tương tác trên các ứng dụng sẵn có ngay trong giờ học để xem mức độ hiểu bài của học sinh đến đâu và điều chỉnh cách dạy học phù hợp.
Cuối cùng là tinh thần thoải mái. Điều này rất quan trọng bởi học trực tuyến so với học trực tiếp chắc chắn sẽ có những sự cố ngoài ý muốn nhiều hơn nên thầy cô cần chuẩn bị các phương án dự phòng để không bị động nếu xảy ra. Lựa chọn những gì phù hợp nhất để triển khai trong nội dung bài học. Tuyệt đối không tạo áp lực cho học sinh.
Chia sẻ quan điểm này, TS Trần Hương Quỳnh, Trưởng bộ môn Ngôn ngữ học tiếng Anh, Khoa Tiếng Anh, Trường Đại học Sư phạm Hà Nội cho rằng giáo viên cần căn cứ trên khung chương trình để lựa chọn nội dung cốt lõi truyền tải tới học sinh do giới hạn về thời gian, hình thức học khác với trên lớp. Sau đó, tách thành các phần nhỏ, chuỗi hoạt động theo tiến trình để đảm bảo dưới sự hướng dẫn của giáo viên học sinh có thể hoàn thành được. Giáo viên cần cân nhắc lựa chọn các hình thức thể hiện, có thể sử dụng kênh hình, kênh chữ, có kèm video hay audio hay kèm video… Cần nhìn xem học sinh sẽ tương tác với học liệu theo cách nào.
“Một học liệu số tôi thiết kế thường gồm 2 phần chính là nội dung và tương tác, trong đó ưu tiên lồng ghép 2 nội dung này trong quá trình dạy học. Có thể dạy học thông qua sơ đồ hóa nội dung, đan xen giữa thuyết trình với tương tác, trò chơi, kiểm tra nhanh… Trong đó, cần “làm quen” với sự cố mạng quay đều hoặc thoát ra khi học trực tuyến, hoặc khi chuyển một ứng dụng, một công cụ giữa tiết học là rất bình thường. Đó là lý do chúng ta cần rút gọn bài học, đưa vào tinh giản nội dung để đảm bảo nội dung học tập không quá sức với cả thầy và trò”- bà Quỳnh nói.