Trường Tiểu học Thanh Xuân Trung, quận Thanh Xuân, sáng nay bắt đầu lùi giờ học, áp dụng tới hết tháng 1/2024.
Cụ thể, từ 8h, học sinh có mặt tại trường và học tiết 1 lúc 8h15 phút, muộn hơn 20 phút so với thời khóa biểu cũ. Trường cho biết việc này nhằm đảm bảo sức khỏe cho học sinh, do thời tiết từ khoảng giữa tháng 12 tới tháng 1 hàng năm rất lạnh.
"Thay vì sáng nào cũng xem thời tiết lúc 6h, cả thầy cô và gia đình đều thấp thỏm, chúng tôi lùi giờ học để các gia đình chủ động, trừ những ngày lạnh dưới 10 độ sẽ thông báo cụ thể", hiệu trưởng Nguyễn Thị Quỳnh Như nói.
Theo bà Như, để học sinh được vào lớp muộn hơn 20 phút, trường rút ngắn giờ ra chơi 10 phút, thời gian chuyển giữa các tiết giảm từ 5 xuống ba phút. Việc này cũng giúp thời gian ăn bán trú hay nghỉ trưa của học sinh được đảm bảo. Bà Như đánh giá 20 phút là hợp lý, nhiều hơn sẽ ảnh hưởng việc đưa, đón của phụ huynh.
Với những phụ huynh phải đưa con đến trường sớm để đi làm, bà Như cho biết bảo vệ sẽ mở cổng từ 7h, đảm bảo các em được vào trường. Còn buổi chiều, thư viện sẽ mở tới 18h30 để học sinh đợi bố mẹ tới đón mà không bị lạnh.
Học sinh lớp 1, trường Tiểu học Ngô Sĩ Kiện, huyện Thanh Trì (Hà Nội), hôm 10/2/2022. Ảnh: Phạm Chiểu
Nhiều trường ở Hà Nội sáng nay cũng điều chỉnh giờ vào lớp, hoạt động buổi sáng để đảm bảo sức khỏe cho học sinh.
Tại trường Tiểu học Thịnh Quang ở quận Đống Đa, học sinh không tập thể dục 15 phút đầu giờ nữa, được phép đến trường lúc 8h sáng, thay vì 7h45.
"Mọi lần sau giờ này là đi học muộn nhưng giờ không có quy định đi muộn nữa", đại diện nhà trường nói. Bà cho biết 6h kém hàng ngày phải theo dõi bản tin dự báo thời tiết để kịp thời điều chỉnh các hoạt động. Giáo viên liên tục nhắc nhở học sinh đến trường là vào lớp ngay, mặc đủ ấm thay vì đồng phục. Trường cũng dừng sinh hoạt ngoài trời.
Tại huyện Ứng Hòa, phòng Giáo dục và Đào tạo yêu cầu các trường mầm non, tiểu học, THCS tùy thời tiết mà chủ động điều chỉnh giờ học hoặc cho học sinh nghỉ học. Ông Đặng Văn Khoái, Phó trưởng phòng, cho biết Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội đề nghị các trường cho trẻ mầm non, học sinh tiểu học nghỉ nếu nhiệt độ ngoài trời dưới 10 độ C, học sinh THCS dưới 7 độ. Nếu không cho học sinh nghỉ, trường phải lùi giờ vào lớp.
Sáng nay nhiệt độ ngoài trời ở Hà Nội là 12 độ, vì thế nhiều trường ở Hà Nội vẫn cho đi học bình thường.
Bà Phạm Minh Thảo, Hiệu trưởng trường Tiểu học Thành Công B, cho hay trường chưa điều chỉnh giờ vào học vì hầu hết phụ huynh không muốn ảnh hưởng giờ đi làm. Nếu trời quá lạnh và các phụ huynh có ý kiến, trường sẽ thay đổi. Trước mắt, trường linh động, cho học sinh đi muộn mà không chấm thi đua, cũng như điều chỉnh nội dung học.
"Bình thường các lớp có thể vào tiết ngay nhưng bây giờ tăng cường phần ôn tập để các bạn đến muốn không bị ảnh hưởng", bà Thảo cho hay.
Các trường đều cho biết chuẩn bị nước uống và bữa ăn bán trú luôn ấm nóng để đảm bảo sức khỏe học sinh.
Miền Bắc bước sang ngày thứ sáu của đợt rét đậm, rét hại, nhiệt độ trung bình trong ngày ở đồng bằng từ 15 độ trở xuống, trung du và miền núi dưới 13 độ C. Sáng nay trời rét hơn do không khí lạnh tăng cường.
Tại Hà Nội, lần đầu tiên trong mùa đông 2023-2024 trạm Ba Vì ghi nhận 10 độ, các trạm Láng, Hà Đông, Sơn Tây, Hoài Đức 11 độ C. Đây là mức nhiệt đo trong lều khí tượng, có mái che và cách mặt đất khoảng 2 m, ngoài trời có thể thấp hơn 2-3 độ C.
Ở một số địa phương vùng núi cao, nhiệt độ dưới 10 độ C, hoạt động dạy và học vẫn diễn ra. Tại Mù Cang Chải, 39 trường học và 56 điểm trường mầm non, học sinh lên lớp 100% do đều ở nội trú. Còn ở Tiên Yên, Quảng Ninh, nơi nhiệt độ sáng nay khoảng 3 độ C, 35 trường học vẫn mở cửa, học sinh học từ 7h45 thay vì 7h như mọi ngày.
https://vnexpress.net/truong-hoc-lui-gio-vao-lop-vi-troi-ret-4692019.html?gidzl=qEYrPegVdNdLyxrcYeAUVTtqlsISXfr_mVpjOv_RodB6_UivpOsVT9Jvw6_9ZPiZnQw-E6HlGX4eZfYTUW