Rác thải làm từ nhựa rất đa dạng gồm ly nhựa, ống hút, túi nylon, hộp nhựa,… là tác nhân gây ảnh hưởng xấu đến sức khỏe và môi trường tự nhiên. Tại các trường học, vấn đề rác thải nhựa luônrất được quan tâm vì học sinh là những người có góc nhìn mới, dễ dàng thay đổi được thói quen, hành vi trong việc sử dụng những sản phẩm từ nhựa.
Để hướng đến một môi trường không rác thải nhựa, ngay từ đầu năm học, trong lễ khai giảng năm học, nhiều trường học đã không sử dụng bóng bay chào đón năm học mới; cán bộ, giáo viên, nhân viên nhà trường gương mẫu đi đầu sử dụng chai thủy tinh để đựng nước thay cho chai nhựa trong sinh hoạt cũng như tại các cuộc họp, hội nghị; đẩy mạnh công tác tuyên truyền, giáo dục ý thức bảo vệ môi trường, bỏ rác đúng nơi, đúng quy định, hạn chế sử dụng sản phẩm làm từ nhựa cho học sinh qua các tiết học ngoại khóa, sinh hoạt dưới cờ, lồng ghép nội dung tác hại của rác thải nhựa đối với môi trường trong các bài học. Mô hình trồng cây xanh trong sân trường bằng cách phân công các lớp chăm sóc cây xanh hàng ngày, nhổ cỏ, nhặt rác tại sân trường cũng góp phần nâng cao phong trào “Trường học thân thiện - Học sinh tích cực”, nhờ đó bộ mặt nhà trường khang trang, sạch, đẹp hơn. Mặt khác, việc tổ chức cho các em vệ sinh, thu gom rác thải trong lớp, trong sân trường, chăm sóc cây xanh,... giúp các em có ý thức học tập và bảo vệ môi trường từ những việc làm nhỏ nhất, hình thành được thói quen để hành động tích cực và trở thành tuyên truyền viên cho gia đình trong việc bảo vệ môi trường.
Phong trào chống rác thải nhựa giờ không chỉ là khẩu hiệu mà đã dần đi sâu vào nếp nghĩ, thói quen hàng ngày của học sinh nói riêng và mọi người trong cộng đồng. Hãy sống theo tinh thần “Mình vì mọi người, mọi người vì mình” để môi trường sống trở nên sạch, đẹp hơn./.